Thực đơn cho người bị đau lưng (Phần 2)

07/11/2021
Vũ Phương Dung

Bệnh đau lưng trong y học cổ truyền gọi là chứng yêu thống và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Một số nguyên nhân có thể kể đến như thoát vị đĩa đệm, viêm khớp đốt sống, chấn thương, lao cột sống, sỏi thận, u xơ tử cung, loét dạ dày, thừa cân và béo phì...

Trong bài viết trước, Siêu thị xương khớp Vina Healthycare đã giới thiệu với bạn thực đơn cho người bị đau lưng, bài viết dưới đây bổ sung thêm một vài món ăn mà người mắc chứng đau lưng có thể thêm vào trong bữa ăn của mình:

1. Canh thịt heo nấu với độc hoạt:

Nguyên liệu: xương heo 200g, thịt heo 100g, trần bì 10g, khương hoạt 10g, độc hoạt 10g, phục linh 12g, cam thảo 4g, táo đỏ 7 quả.

Cách thực hiện:

Thịt heo ướp bằng gia vị gồm hành băm nhuyễn, tiêu, nước mắm trong thời gian 20 phút.

Bắc nồi nước lên bếp, nấu xương heo. Khi nước sôi được 15 phút, vớt bỏ lớp bọt phía trên. Thêm thịt heo đã ướp gia vị cùng các dược liệu.

Khi canh chín, thêm gia vị vừa đủ cùng chút hành ngò.

2. Dê hầm với độc hoạt:

Nguyên liệu: thịt dê 200g, đẳng sâm 16g, hoàng kỳ 16g, độc hoạt 10g, táo đỏ 7 quả, phục linh 12g, đương quy 12g

Cách thực hiện:

Ướp thịt dê bằng hỗn hợp gia vị (hành băm nhuyễn, tiêu, nước mắm) trong thời gian 20 phút.

Bắc nồi nước lên bếp, bỏ thịt dê cùng với các dược liệu vào nồi. Hầm đến khi thịt dê chín. Cho thêm gia vị vừa ăn cùng chút hành ngò.

Theo y học cổ truyền, thịt dê bổ khí huyết, bổ can thận, tính nhiệt, giúp làm ấm cơ thể.

Độc hoạt có tác dụng trừ phong thấp, chỉ thống (giảm đau). Theo nghiên cứu của khoa học hiện đại, độc hoạt có tác dụng giảm đau, an thần, kháng viêm rõ rệt.

Món canh thịt heo nấu với độc hoạt và món dê hầm với độc hoạt rất tốt cho những trường hợp đau lưng do hàn thấp với đặc điểm là đau lưng tăng lên khi trời lạnh, rêu lưỡi trắng dày.

3. Canh giò heo với sinh địa:

Nguyên liệu: giò heo 1 cái, sinh địa 12g, hồng hoa 4g, đào nhân 6g.

Cách thực hiện:

Cho giò heo vào nồi nước, thêm ít muối. Bắc lên bếp để đun sôi. Khi nước sôi được 15 phút, dùng muỗng vớt bỏ lớp bọt phía trên. Thêm các dược liệu vào, tiếp tục đun sôi. Khi giò heo mềm, cho vào gia vị vừa ăn cùng chút hành ngò

Món canh giò heo nấu với sinh địa phù hợp với những trường hợp đau lưng do huyết ứ, thường gặp ở những người lao động quá sức khiến cột sống bị chấn thương hoặc do té ngã, bị đánh.

4. Ba ba hầm long nhãn:

Nguyên liệu: Ba ba một con làm sạch và chặt thành khúc, long nhãn 12g, hoài sơn 12g.

Cách thực hiện:

Trước hết ướp ba ba bằng hỗn hợp gồm hành và nghệ băm nhuyễn trong thời gian 20 phút.

Bắc nồi nước lên bếp, cho ba ba vào cùng với các dược liệu. Hầm bằng lửa vừa cho đến khi thịt ba ba mềm. Thêm gia vị vừa ăn cùng chút hành ngò

5. Ba ba hầm câu kỷ tử:

Nguyên liệu: Ba ba một con làm sạch và chặt thành khúc, sơn thù 10g, câu kỷ tử 12g.

Cách thực hiện:

Trước tiên, ướp ba ba với gia vị. Sau đó cho ba ba cùng các dược liệu vào nồi nước và hầm. Khi ba ba mềm, thêm gia vị và chút hành ngò

Theo y học cổ truyền, ba ba có vị ngọt, có tác dụng bổ âm, lương huyết thích hợp cho người tạng nhiệt, nóng trong người, mồ hôi ra nhiều.

Món ba ba hầm long nhãn và món ba ba hầm câu kỷ tử có tác dụng tốt cho các bệnh nhân đau lưng do thận âm suy với các triệu chứng kèm theo như lòng bàn tay và bàn chân nóng, nóng bứt rứt, hay ra mồ hôi về đêm, họng khô, sắc lưỡi đỏ…

6. Chim cút hầm phụ tử:

Nguyên liệu: chim cút 1 con làm sạch và chặt khúc, chế phụ tử 2g, sơn thù 10g, phục linh 12g.

Cách thực hiện:

Ướp chim cút bằng hỗn hợp gia vị gồm hành băm nhuyễn, tiêu, nước mắm trong thời gian 20 phút.

Xào sơ qua chim cút trước, sau đó thêm nước vào cùng các dược liệu. Hầm cho đến khi chim cút mềm.

Món chim cút hầm phụ tử thích hợp cho những trường hợp đau lưng do thận dương suy với triệu chứng kèm theo như tay chân mát lạnh, sợ lạnh, sắc lưỡi nhạt.

7. Canh cá chép với đậu đỏ:

Nguyên liệu: Cá chép 1 con làm sạch và chặt thành khúc, đại táo 7 quả, đậu đỏ 100g.

Cách thực hiện:

Đem cá chép ướp bằng hỗn hợp gia vị gồm hành băm nhuyễn, tiêu, nước mắm trong thời gian 20 phút.

Bắc nồi lên bếp, cho đậu đỏ vào nấu cho đến khi đậu mềm. Tiếp theo, cho cá chép cùng với táo vào nồi. Tiếp tục nấu cho đến khi cá chép chín, thêm chút gia vị và hành ngò.

Đậu đỏ có tác dụng lợi tiểu tiện, hành thủy, tán huyết, thanh nhiệt giải độc. Theo nghiên cứu của khoa học hiện đại, đậu đỏ có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm.

Canh cá chép đậu đỏ dùng tốt trong trường hợp đau lưng do thấp nhiệt với các triệu chứng kèm theo như  tiểu ít, tiểu đỏ, người bứt rứt, rêu lưỡi vàng nhớt.

Bổ sung những món ăn trên vào thực đơn của bạn có thể cải thiện tình trạng đau lưng một cách hiệu quả!

 

Gọi ngay