Tác dụng của dòng điện xung trong vật lý trị liệu với bệnh cơ xương khớp

22/11/2021
Vũ Phương Dung

Vật lý trị liệu được coi là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh và hồi phục nhanh chóng hơn. Một số phương pháp thường được áp dụng trong các cơ sở y tế như siêu âm trị liệu, tập hồi phục chức năng, sử dụng dòng điện xung... Trong đó dòng điện xung trong vật lý trị liệu có nhiều tác dụng lên hệ cơ, hệ thần kinh và mạch máu của người bệnh.

1. Dòng điện xung trong vật lý trị liệu là gì?

Dòng điện xung trong vật lý trị liệu là dòng điện có tần số thấp và trung bình tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, nhiều xung điện liên tiếp nhau tạo thành dòng xung điện. Dòng điện xung có tác dụng giảm đau, kích thích thần kinh tạo nên sự co cơ, điện phân và điện di thuốc.

Đặc điểm của dòng điện xung trong vật lý trị liệu:

  • Dòng điện xung được đặt theo hình dạng của xung và tác giả tìm ra chúng
  • Cường độ của dòng điện xung được tính bằng biên độ trung bình của các xung điện

Các loại dòng điện xung trong vật lý trị liệu:

  • Căn cứ vào tần số của dòng điện xung: Dòng điện xung có tần số thấp và dòng điện xung có tần số trung.
  • Căn cứ vào loại dòng điện: Dòng điện xung một chiều, dòng điện xung xoay chiều.
  • Căn cứ vào chế độ phát xung: Dòng điện xung liên tục, ngắt quãng, biến đổi biên độ, biến đổi tần số, biến đổi cả biên độ và tần số.

2. Tác dụng dòng điện xung trong vật lý trị liệu

Dòng điện xung trong vật lý trị liệu có nhiều tác dụng trong điều trị và cải thiện triệu chứng nhiều chứng bệnh đa dạng:

  • Giảm viêm, giảm đau, giảm phù nề, giải phóng chèn ép tại chỗ, tăng thải trừ chất chuyển hóa tại chỗ.
  • Kích thích trực tiếp vào các mạch máu giúp tăng tuần hoàn
  • Điều trị các bệnh lý sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật
  • Điều trị các bệnh lý xương khớp như viêm khớp, thấp khớp, thoái hóa khớp, viêm bao hoạt dịch,... 
  • Điều trị một số chứng bệnh bằng liệu pháp ion hóa như đau dây thần kinh, đau gân
  • Đối với người bệnh bại liệt như liệt nửa người hoặc liệt hai chi dưới dòng điện xung có tác dụng kích thích cơ đáng kể
  • Có tác dụng kéo dãn cơ trong các trường hợp co ngắn cơ do trương lực
  • Kích thích cơ trơn trong các trường hợp đại tiểu tiện mất tự chủ 

3. Các trường hợp chỉ định và chống chỉ định sử dụng dòng điện xung trong vật lý trị liệu

Sử dụng dòng điện xung ức chế thường được chỉ định trong điều trị các trường hợp sau:

  • Giảm đau cho người bệnh gặp các chấn thương, viêm khớp dạng thấp, hội chứng cổ - vai - cánh tay, đau thần kinh liên sườn, giảm đau khi mắc bệnh zona thần kinh... 
  • Đối với tình trạng liệt cứng trong tổn thương thần kinh trung ương, trị liệu bằng xung điện giúp giảm tình trạng co rút cơ.
  • Giúp điều hòa rối loạn tuần hoàn ngoại vi
  • Chống viêm trong các viêm không có nhiễm khuẩn
  • Giảm phù nề trong các chấn thương nhất định

Đối với dòng điện xung kích thích, bác sĩ thường chỉ định sử dụng trong các trường hợp như sau:

  • Hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như teo cơ, bại liệt, liệt do tổn thương thần kinh ngoại vi bằng cách sử dụng điện xung kích thích tăng cường sức cơ và trương lực cơ
  • Kích thích cơ vân và cơ trơn bị bại liệt trong một số bệnh lý như giã dạ dày, rối loạn vận động bàng quang, táo bón,... 

Các trường hợp chống chỉ định sử dụng dòng điện xung trong vật lý trị liệu:

  • Người mắc một số bệnh như tim mạch, rối loạn tâm thần hoặc cảm giác, có khối u ác tính,...
  • Người đang mang máy tạo nhịp tim
  • Vùng da đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu
  • Phụ nữ có thai hoặc đang đến kỳ kinh nguyệt không sử dụng điện xung tại vùng bụng và thắt lưng

4. Các tai biến và cách xử trí

Một số tai biến có thể xảy ra trong quá trình sử dụng dòng điện xung trong vật lý trị liệu:

  • Điện giật: Nguyên nhân chủ yếu là do máy móc sử dụng gặp vấn đề như hỏng, rò rỉ điện ra điện cực điều trị. Bác sĩ thực hiện trị liệu phải ngay lập tức ngắt nguồn điện, người bệnh bị điện giật trong trường hợp này phải cấp cứu, xử trí ngay. Để tránh tình trạng giật điện xảy ra gây nguy hiểm cho người bệnh, trước khi thực hiện trị liệu cần kiểm tra máy móc thật kỹ, tuân thủ quy trình điều trị.
  • Cảm giác bị điện giật: Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là do chiết áp bị lỏng hoặc quy trình điều trị không chính xác gây ra hiện tượng thay đổi cường độ dòng điện đột ngột. Bệnh nhân cần chú ý những thay đổi cảm giác bất thường, không chạm vào những vật dẫn điện trong quá trình điều trị
  • Dị ứng với dòng điện: Nổi mẩn đỏ tại vị trí đặt điện cực, có thể nguyên nhân là do điện cực vải quá bẩn.
  • Bỏng: Trường hợp này thường ít xảy ra, nguyên nhân chủ yếu là do điện cực kim loại tiếp xúc trực tiếp với da.

Trên đây là những thông tin bạn nên biết khi sử dụng dòng điện xung trong vật lý trị liệu. Bạn cũng có thể tham khảo những thiết bị giúp thư giãn tại nhà như máy và ghế massage để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. 

Gọi ngay