Đứt dây chằng bên trong gối: Nguyên nhân và cách điều trị

19/12/2021
Vũ Phương Dung

Chấn thương liên quan đến dây chằng đầu gối luôn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai, đặc biệt là người chơi thể thao. Trong đó, đứt dây chằng bên trong gối là chấn thương khá phổ biến. Cùng Siêu thị xương khớp Vina Healthcare tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị khi bị đứt dây chằng bên trong nhé!

1. Đứt dây chằng bên trong gối là gì?

Đứt dây chằng bên trong là tình trạng khi bị căng cơ quá mức hoặc giật mạnh hoặc chèn ép, dây chằng sẽ bị tổn thương. Thông thường, dây chằng này rất dễ bị bong ở đường khớp, hay bị nhổ đứt ở những vị trí nguyên ủy hoặc bám tận. 

Dây chằng bên trong gối (dây chằng bên chày) là một loại dây chằng rộng, dẹt, dạng dài; trải dài từ lồi cầu trong xương đùi tới mặt trong mâm chày. Loại dây chằng này cũng sẽ bám vào bờ của sụn chêm trong. 

2. Dấu hiệu khi bị đứt dây chằng bên trong gối

Khi bị đứt dây chằng bên trong, người bệnh sẽ có những dấu hiệu điển hình sau:

  • Cảm thấy đau đớn tại mặt trong khớp gối. Khi xoay khớp gối, sẽ cảm nhận cơn đau tăng dần.
  • Những hoạt động như gập và xoay ngoài khớp gối sẽ khiến những cơn đau thêm trầm trọng. Khi đó, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, chườm nóng để giảm đau.
  • Cơn đau do tổn thương loại dây chằng này thường nhức nhối, âm ỉ, dai dẳng, thậm chí có thể gây mất ngủ.
  • Hội chứng rách dây chằng bên chày sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy như bị kìm hãm, xuất hiện tiếng lạ (rắc, bụp) khi nâng khớp gối ở bên chân bị tổn thương.
  • Bên cạnh những cơn đau, người bị chấn thương dây chằng trong khớp gối còn có nguy cơ đối mặt với các bệnh lý như viêm bao hoạt dịch, viêm gân, viêm khớp hay trẹo trong khớp gối. Những bệnh lý này dễ làm bệnh nhân nhầm lẫn trong bệnh cảnh lâm sàng sau chấn thương khớp gối.

Khi thăm khám lâm sàng, người bị chấn thương dây chằng bên trong gối thường cảm nhận rõ những cơn đau dọc theo chiều dài dây chằng, bám từ lôi cầu trong xương đùi tới điểm bám tận trên xương chày. Nếu dây chằng bị nhổ khỏi chỗ bám trên xương, cơn đau có thể khu trú ở đầu gần hay đầu xa của dây chằng.

Trong khi đó, nếu bị bong dây chằng, bệnh nhân sẽ có điểm nhạy cảm đau lan tỏa hơn. Nếu bị chấn thương dây chằng nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ nhận thấy sự lỏng lẻo ở khớp gối khi vặn trong hoặc vặn ngoài. 

Hiện tượng tràn dịch khớp gối, sưng tấy đầu gối…  cũng là dấu hiệu chấn thương dây chằng bên chày. Thế nhưng, đây đôi khi cũng là dấu hiệu của tình trạng tổn thương trong khớp. Để được chẩn đoán bệnh lý, người bệnh cần phải chụp cộng hưởng từ MRI để được khẳng định chính xác nhất.

3. Nguyên nhân gây đứt dây chằng bên trong gối

Dây chằng bên chày rất dễ bị tổn thương bởi những áp lực hay sức ép tác động lên mặt ngoài khớp gối. Tác động này khiến mặt ngoài khớp gối bị cong lại, trong khi mặt trong thì mở rộng ra. Nếu bị kéo giãn quá mức, dây chằng này sẽ dễ dàng bị rách, để lại những tổn thương lâu dài, khó phục hồi. 

Những người chơi thể thao có nguy cơ rất cao đối mặt với chấn thương này. Chẳng hạn như với cầu thủ đá banh, tổn thương dây chằng bên chày có thể xảy ra từ những cú “truy cản từ phía sau”. 

4. Phương pháp điều trị đứt dây chằng bên trong gối

Sơ cứu

Sơ cứu sẽ dành cho những trường hợp chấn thương đứt dây chằng bên chày nhẹ. Phương pháp này sẽ bao gồm:

  • Chườm đá 
  • Nâng đầu gối cao hơn tim
  • Uống thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau và sưng tấy
  • Sử dụng băng nẹp hoặc mang nẹp để cố định đầu gối, ngừa tổn thương thêm  
  • Nghỉ ngơi, tránh các vận động mạnh
  • Sử dụng nạng để giảm lực tác động lên đầu gối khi di chuyển

Vật lý trị liệu

Đối với những chấn thương nặng hơn, người bệnh có thể sẽ được yêu cầu tập vật lý trị liệu khi cơn đau do đứt dây chằng bên chày giảm dần. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập tăng cường cơ ở chân, đặc biệt là đầu gối. Các bài tập hỗ trợ điều trị đứt dây chằng bên chày này sẽ giúp cải thiện phạm vi chuyển động của đầu gối, hỗ trợ quá trình phục hồi chấn thương nhanh hơn.

Phẫu thuật

Theo các bác sĩ, chấn thương do đứt dây chằng bên chày thường rất hiếm phải điều trị bằng phẫu thuật. Phương pháp này chỉ được sử dụng khi dây chằng bên chày rách hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi. Nếu chấn thương dây chằng bên chày kết hợp chấn thương dây chằng khác, phẫu thuật cũng là phương pháp điều trị được khuyến khích áp dụng cho bệnh nhân.

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành nội soi khớp để kiểm tra mức độ chấn thương của dây chằng bên chày và rà soát lại những chấn thương liên quan trong đầu gối.

5. Cách phòng ngừa chấn thương dây chằng bên chày

Đa số chấn thương chấn thương dây chằng bên chày sẽ xảy ra khi tập luyện thể dục thể thao. Chấn thương này cũng có khả năng đến từ tai nạn, khi vặn hay xoay đầu gối đột ngột, đầu gối bị căng quá mức. Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả chấn thương dây chằng bên trong gối:

  • Luôn khởi động và áp dụng các biện pháp bảo vệ đầu gối khi tập luyện. Bởi nếu dây chằng khỏe và linh hoạt, khi gặp tổn thương, chúng có thể dễ bị kéo căng hơn là rách.
  • Mang giày vừa vặn và phù hợp với loại hình luyện tập. Điều này sẽ giúp giảm lực tác động lên đầu gối khi vận động và hỗ trợ khả năng giữ thăng bằng của cơ thể.
  • Tránh luyện tập khi mệt mỏi hoặc đang bị chấn thương đầu gối.
  • Hạn chế chạy trên bề mặt không bằng phẳng vì có khả năng làm tăng nguy cơ té ngã hay trẹo đầu gối.
  • Đối với người chơi thể thao, thường xuyên rèn luyện cơ thể cũng là cách ngăn ngừa chấn thương dây chằng bên trong gối rất hiệu quả. 

Đứt dây chằng bên trong gối sẽ gây ra nhiều tác động xấu đến khả năng vận động của người bệnh. Do đó, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu đã liệt kê ở trên, bạn nên sớm thăm khám và điều trị đứt dây chằng bên trong tại những bệnh viện chuyên khoa. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi cơ thể, hạn chế di chứng từ tổn thương. 

Nguồn: Tâm Anh Hospital

Gọi ngay