Bệnh gout - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

01/12/2021
Vũ Phương Dung

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, bệnh gút (thống phong) đang dần phổ biến và trở thành nỗi lo của rất nhiều người. Vì thế việc hiểu biết về bệnh là điều vô cùng quan trong để sớm có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Bệnh gout là gì?

Bệnh gút là bệnh lý rối loạn chuyển hóa acid uric, dẫn đến lắng đọng các tinh thể monosodium ở tổ chức (bao hoạt dịch và tổ chức quanh khớp, ống thận và nhu mô thận), thường khởi phát ở nam giới tuổi từ 40 – 60 và ở nữ giới sau mãn kinh. Tần suất xuất hiện của bệnh gút tăng đáng kể theo tuổi và tương quan với sự gia tăng của nồng độ acid uric huyết thanh.

Biểu hiện người mắc bệnh gút là xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội, sưng, đỏ và đau ở khớp, thường là khớp ở ngón chân, xương bàn chân… nếu không chữa trị có thể gây biến chứng nguy hiểm tới các cơ quan khác như thận, gan, tim.

Triệu chứng của bệnh gout

  • Giai đoạn đầu: Giai đoạn này ít có triệu chứng nổi bật, khi xét nghiệm máu sẽ thấy dấu hiệu axit uric trong máu tăng cao đi kèm với triệu chứng đau nhức các khớp ngón chân, cổ chân, đầu gối, khớp cổ tay và ngón tay sưng đỏ. Biểu hiện rõ rệt hơn khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh, hoặc sau các cuộc liên hoan uống nhiều bia rượu và ăn nhiều các đồ hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật.
  • Giai đoạn mãn tính: Ở giai đoạn này, axit uric tích tụ ngày một nhiều lên. Tinh thể urat lắng đọng thành các u cục tophi ở các khớp gây nên tình trạng viêm, sưng đau đớn dữ dội, phá hủy các khớp xương gây tàn tật vĩnh viễn nếu không được điều trị. Biến chứng suy thận, sỏi thận làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Nếu cảm thấy đau đột ngột, dữ dội ở khớp, hãy đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời nếu mắc phải.

Nguyên nhân gây ra bệnh gout

Bệnh gút xảy ra khi các tinh thể urát tích tụ trong khớp, gây ra tình trạng viêm và đau dữ dội. Thông thường, axit uric hòa tan trong máu và đi qua thận đào thải qua nước tiểu. Nhưng đôi khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc thận bài tiết quá ít axit uric. Khi đó, axit uric tích tụ, hình thành các tinh thể urát trong khớp hoặc mô xung quanh gây đau, viêm và sưng.

Nguyên nhân gây ra bệnh gout có thể đến từ một trong những yếu tố sau:

  • Chế độ ăn: Đối với thói quen ăn uống thiếu khoa học hiện nay thì tỉ lệ người mắc bệnh gout ngày càng tăng. Ăn ít rau xanh nhưng ăn nhiều thức ăn có hàm lượng purine cao như thịt đỏ, hải sản, sử dụng đồ uống có cồn bia rượu nhiều trong thời gian ngắn khiến quá trình đào thải axit uric không kịp làm lắng đọng các tinh thể urat tại các khớp gây nên bệnh gout.
  • Tuổi tác và giới tính: Bệnh gút xảy ra chủ yếu ở nam giới ở độ tuổi từ 30 đến 50, nữ giới ít mắc hơn là do nữ giới có nồng độ axit uric thường thấp hơn. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, nồng độ axit uric của phụ nữ tiệm cận với nam giới nên vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
  • Béo phì: Nếu bị béo phì, cơ thể sẽ sản xuất nhiều axit uric hơn do thường xuyên tiêu thụ các loại thức ăn chứa dầu mỡ và chất đạm, dẫn tới thận gặp khó khăn hơn trong việc loại bỏ axit uric.
  • Tác dụng của thuốc: Việc sử dụng thuốc lợi tiểu Thiazide để điều trị tăng huyết áp và aspirin liều thấp cũng có thể làm tăng nồng độ axit uric. Vì vậy, việc sử dụng thuốc chống thải ghép có thể được quy định cho những người đã trải qua cấy ghép nội tạng.
  • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình như bố mẹ bị mắc bệnh gút thì nguy cơ con cũng có thể mắc là có khả năng.

Cách điều trị bệnh gout

Chế độ ăn uống và sinh hoạt

- Tránh thực phẩm chứa nhiều nhân purin: nội tạng động vật (tim, gan, lòng bầu dục); thịt xông khói; hải sản (tôm, cua, cá hồi, cá mòi); các loại đậu, măng tây, cải bó xôi; thịt đỏ ( trâu, bò, chó); thức ăn chua ( hoa quả chua, đồ muối chua)
- Tránh uống bia, rượu mạnh, có thể uống rượu vang (150ml/ngày)
- Tránh dùng các thuốc lợi tiểu, cocticoid.
- Nên uống nhiều nước: khoảng 2 lít/ngày ( nước khoáng kiềm)
- Nên ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bắp cải, đậu phụ
- Có thể uống sữa, ăn trứng, ăn thịt trắng, cá đồng
- Vitamin C 500mg/ngày
- Không nên đi giày quá chật
- Nhìn chung chế độ ăn hạn chế năng lượng vì bệnh gút hay đi kèm với các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.

Điều trị bằng thuốc

Trong cơn cấp điều trị bằng các thuốc chống viêm. Điều trị lâu dài bằng các thuốc giảm acid uric huyết. Để phòng tránh cũng như khống chế bệnh một cách hiệu quả nhất thì người bệnh phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, phải thăm khám thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị kéo dài: Thời gian đầu tái khám sau 2 tuần, sau đó mỗi tháng, khi đã ổn định có thể tái khám sau 3-6 tháng.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên hình thành lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh gout tấn công. 

Nguồn: Tổng hợp

 

    Gọi ngay